Ngày 13 tháng 6 năm 2021, những người H'Mong theo đạo Tin Lành cuối cùng ở Tiểu khu 179, xã Liêng Srônh, huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng (TK179) đã được Công an huyện Đam Rông làm thủ tục cấp thẻ căn cước. Việc này đã chấm dứt tình trạng họ không được chính quyền Việt Nam không thừa nhận tư cách công dân trong suốt 23 năm qua.
Các tổ chức và cá nhân tham gia thực hiện dự án hoan nghênh động thái này của chính quyền và cơ quan chức năng huyện Đam Rông. Chính quyền đã thực hiện đúng khẩu hiệu đề ra: Nói đi đôi với làm.
Cùng chung vui với người dân TK179, Đề Án Dân Quyền xin điểm lại những mốc thời gian quan trọng của tiến trình tròn 2 năm mà ADF International, BPSOS, VN CAT, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam và một số tổ chức khác đã phối hợp làm việc để tạo ra kết quả thay đổi tình trạng bế tắc kéo dài 21 năm trước đó:

1 - Tháng 6 năm 2017: Thành viên của VN CAT và BPSOS trực tiếp tới địa bàn khảo sát hiện trạng 594 con người bị bỏ rơi trong rừng, không có giấy tờ tuỳ thân trong 21 năm vì trước đó đã xảy ra mâu thuẫn về tôn giáo với chính quyền địa phương ở các tỉnh phía Bắc.
2 - Tháng 3 năm 2019: Sau gần 2 năm nghiên cứu kỹ lưỡng các phương án giải quyết, BPSOS lập dự án quyết tâm hỗ trợ các nạn nhân. Một toán làm việc được hình thành bao gồm các luật gia, các nhà sư phạm, các chuyên gia tâm lý, các nhà quản lý doanh nghiệp, các nhà báo ... để đảm bảo xử lý mọi việc theo một kế hoạch đã được tính toán và dự phòng các tình huống. VN CAT chịu trách nhiệm chính với sự tham gia dự án của một chuyên gia tâm lý xã hội và một chuyên gia pháp lý.
3 - Toán làm việc đưa ra nhận xét rằng trong bối cảnh chính trị ở Việt Nam, các xung đột giữa người dân và chính quyền chỉ có thể được giải quyết nếu như có yếu tố quốc tế tham gia với vai trò người trung gian hoà giải. Từ đó đi đến quyết định mời quốc tế nhập cuộc.
Tháng 5 năm 2019: ADF International nhận bảo trợ và vận động quốc tế cho dự án. Ngoài ra, hai tuỳ viên chính trị thuộc Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam và một số tổ chức quốc tế khác cũng đã nhận lời theo dõi và làm trọng tài ngoại giao giữa chính quyền và người dân..
4 - Ngày 9 tháng 5 năm 2019: Chính quyền huyện Đam Rông tổ chức cưỡng chế người dân ra khỏi địa bàn với thành phần 9 chủ đầu tư dự án tư nhân, một lực lượng công an và quân đội lên tới hàng trăm người được trang bị súng, quả nổ và các trang thiết bị khác. Nguy cơ xung đột giữa dân và chính quyền mang dáng dấp của những vụ việc bế tắc như vụ án Đoàn Văn Vươn ở Hải Phòng năm 2012 và vụ án Ecopark Hưng Yên năm 2014.
Khi nhận được tin báo khẩn cấp, toán làm việc tìm mọi khả năng tư vấn cho người dân cần kiềm chế tối đa, tránh mọi hành động và phát biểu mang tính manh động.
Thông tin được báo động tới các tổ chức quốc tế. Các tuỳ viên chính trị của Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam đã liên tiếp trao đổi với chính quyền Việt Nam bằng điện thoại trong đó nhấn mạnh đến việc đề nghị hai bên cùng kiềm chế và đi tìm giải pháp thương lượng hợp lý.

Buổi cưỡng chế đã bị vô hiệu hoá. Chính quyền và người dân đã cùng nhau ký biên bản sự việc.
Ngay sau đó, chuyên gia pháp lý soạn 4 đơn khác nhau cho người dân TK179 gửi các cấp chính quyền từ trung ương tới địa phương đề nghị đối thoại tìm giải pháp tháo gỡ xung đột.
Từ ngày 9 tháng 7 đến ngày 28 tháng 7 năm 2019, các thành viên đối ngoại của toán làm việc nỗ lực vận động quốc tế đứng ra làm trung gian hoà giải. Hoạt động quan trọng nhất đó là các cuộc tiếp xúc với các dân biểu Mỹ tại Quốc hội Hoa Kỳ trong chiến dịch Ngày vận động cho nhân quyền Việt Nam được BPSOS tổ chức hằng năm.
5 - Ngày 7 tháng 8 năm 2019, nhờ sự tác động của quốc tế, chính quyền huyện Đam Rông đã tổ chức buổi đối thoại với người dân để cùng nhau tìm phương hướng giải quyết vụ việc.
6 - Từ ngày 9 tháng 8 năm 2019 đến ngày 16 tháng 2 năm 2020, chuyên gia pháp lý soạn 7 đơn thư khác nhau cho người dân TK179 gửi các cấp chính quyền đánh giá về các cuộc đối thoại, trực tiếp đề xuất các phương án giải quyết về các vấn đề tồn tại dựa trên nguyên tắc tôn trọng lợi ích chung của đôi bên.
7 - Ngày 3 tháng 3 năm 2020, người dân TK179 nhận Quyết định 125 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng.
Ngày 30 tháng 3 năm 2020, nhận Quyết định 147 của uỷ ban nhân dân huyện Đam Rông. Đây là hai văn bản pháp lý quan trọng với nội dung cho triển khai dự án tái định cư tại chỗ, mở đường cho bước thừa nhận cộng đồng này như là người dân địa phương để tiến tới cấp giấy tờ tuỳ thân cho mọi người.

8 - Ngày 29 tháng 4 năm 2020, cơ quan chức năng huyện Đam Rông đột nhiên khởi tố vụ án, khởi tố bị can với Ma A Xì - một người dân thuộc TK179 về tội phá rừng. Đây là điều chuyên gia pháp lý đã dự kiến từ trước. Vì thế nhóm hỗ trợ đã tập trung trợ pháp lý gia đình Ma A Xì nhằm bảo vệ dự án. Kết quả vụ án đã được đình chỉ điều tra vào tháng 6 năm 2020.
9 - Ngày 30 tháng 7 năm 2020, Quốc hội Việt Nam cử đoàn công tác về thăm người dân TK179.
10 - Ngày 2 tháng 12 năm 2020, Ma A Cháng được chính quyền và quân đội mời tham quan thành phố Hồ Chí Minh 10 ngày. Dưới sự huấn luyện của toán hỗ trợ, Ma A Cháng tranh thủ gửi 4 văn bản, tiếp xúc và vận động các cán bộ địa phương nhằm đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vấn đề còn tồn đọng.
11 - Ngày 16 tháng 3 năm 2020, chính quyền và quân đội mở lớp học nhằm xoá mù chữ cho 45 người lớn tuổi. Trước đó mọi trẻ em đều được đến trường. 5 em được theo học cấp 3.

12 - Tháng 10 năm 2020, huyện Đam Rông có Chủ tịch mới - ông Trương Hữu Đồng.
Ngày 14 tháng 12 năm 2020, ông Trương Hữu Đồng đã hồi âm văn bản chào mừng của người dân TK179 với tinh thần rất thiện chí. Các nội dung trả lời rõ ràng và nhận trách nhiệm chuyển giao từ người tiền nhiệm. Điều này gián tiếp khẳng định chính quyền huyện Đam Rông sẽ thực thi dự án.
13 - Ngày 19 tháng 1 năm 2021, chính quyền và hạt kiểm lâm cho phép người dân cưa cây trong rừng để bắc cầu qua sông, chấm dứt tình trạng đi bằng tay cũng đã kéo dài suốt 22 năm.
14 - Ngày 22 tháng 3 năm 2021, một số nhân viên các đại sứ quán nước ngoài tại Việt Nam đã tổ chức chuyến đi thăm người dân TK179.

15 - Ngày 4 tháng 5 năm 2021, nhận xét rằng việc bầu cử là sự kiện chính trị quan trọng ở Việt Nam, BPSOS đưa ra sáng kiến thúc đẩy nhanh tiến trình cấp giấy tờ tuỳ thân cho người dân bằng cách vận động mọi người đi bầu cử đại biểu hội đồng nhân dân cấp xã. Người dân làm đơn gửi tới các cấp chính quyền nêu rõ những mong muốn và những lợi ích chung cho cả hai bên đồng thời đề nghị các tổ chức quốc tế động viên chính quyền địa phương nên đáp ứng yêu cầu chính đáng và thiện chí này.
16 - Ngày 6 tháng 5 năm 2021, đích thân Chủ tịch huyện Đam Rông và Chủ tịch xã Liêng Srônh đã xuống làm việc với người dân chấp nhận các đề nghị nói trên.
17 - Ngày 13 tháng 5 năm 2021, Công an huyện Đam Rông đã về tận xã làm thủ tục tiếp nhận thông tin làm giấy tờ tuỳ thân cho mọi người.
18 - Ngày 13 tháng 6 năm 2021, việc Công an huyện Đam Rông làm thủ tục cấp thẻ căn cước cho những người Hmong cuối cùng thuộc TK179. Đây là một bước ngoặt quan trọng khép lại tình trạng không được thừa nhận tư cách công dân trong suốt 23 năm qua.
T.M.T