Trong vụ việc 400 công nhân Việt Nam bị chủ Trung Quốc bóc lột sức lao động ở Serbia, có sự tiếp tay trực tiếp của các công ty tuyển dụng và xuất khẩu lao động. Hành động này đã vi phạm nghiêm trọng pháp luật Việt Nam. Sau đây là những phân tích cụ thể dựa trên các tài liệu mà BPSOS - CAMSA International có được:
1. Trong Bản Cam Kết về tay nghề, Công Ty Trách Nhiệm Hữu Hạn Quốc Tế Song Hỷ Gia Lai, từ đây gọi tắt là Công Ty Song Hỷ Gia Lai (1) đã soạn thảo mẫu buộc người lao động tự chịu trách nhiệm về tay nghề của mình. Nguyên tắc pháp lý của giao kết hợp đồng dân sự về lao động đó là chủ sử dụng hoặc trung gian tuyển dụng phải có nghĩa vụ tìm hiểu, đánh giá khả năng làm việc của người lao động và tự quyết định cho hành vi thuê mướn của chính mình. Người lao động chỉ phải chứng minh tay nghề hoặc chuyên môn dựa trên các bài kiểm tra do người chủ sử dụng lao động đưa ra nhưng không có nghĩa vụ phải tự cam kết về tay nghề của mình. Cam kết này là sự ép buộc đơn phương của Công Ty Song Hỷ Gia Lai lợi dụng sự thiếu hiểu biết hoặc hoàn cảnh khó khăn của người lao động. Do đó, mặc dù về mặt hình thức đây là một sự cam kết tự nguyện nhưng về bản chất thì không phải là sự tự nguyện nên đã vi phạm vào Điều 116 Bộ Luật Dân Sự 2015 về một giao dịch dân sự trái pháp luật.
Thêm nữa, Bản Cam Kết này cũng để trống một số nội dung nên không có giá trị hiện thực.

2. Điều 2 của Bản Cam Kết Nội Quy, Công Ty Song Hỷ Gia Lai tiếp tục vi phạm vào Điều 116 Bộ Luật Dân Sự 2015 về một giao dịch dân sự trái pháp luật khi lợi dụng sự thiếu hiểu biết hoặc hoàn cảnh khó khăn của người lao động để ép buộc họ phải tự cam kết làm việc vô điều kiện cho chủ sử dụng bất chấp những điều bất lợi và rủi ro cho mình. Biểu tình, đình công và các hình thức ngừng lao động khác trong nhiều trường hợp do tranh chấp hoặc mâu thuẫn quyền lợi của người lao động với người chủ là quyền căn bản của người lao động. Điểm e, Điều 3 của Bản Cam Kết Nội Quy này tiếp tục vi phạm vào điều 198 và 209 của Bộ Luật Lao Động 2019 khi ép buộc người lao động tự nguyện từ bỏ quyền được biểu tình và đình công.

3. Bản Cam Kết Không Bỏ Trốn của người lao động khi làm việc ở nước ngoài liên quan đến người thứ ba đó là gia đình người lao động. Trong Bản Cam Kết này không có chữ ký của gia đình người lao động do đó không có giá trị pháp lý. Việc soạn thảo văn bản này thể hiện hành vi cưỡng ép người lao động và người nhà của họ khi họ thiếu những hiểu biết căn bản về pháp lý. Hành vi buộc người nhà người lao động phải bồi thường 50 triệu đồng khi người lao động bỏ trốn nếu xảy ra sẽ hoàn thành mặt khách quan của tội Cưỡng Đoạt Tài Sản được quy định tại Điều 170 Bộ Luật Hình Sự 2015 và phạm vào Khoản 2 do mắc phải hai tình tiết; hoạt động có tổ chức và tài sản cưỡng đoạt từ 50 triệu đồng trở lên. Cho dù tình huống chưa xảy ra thì Bản Cam Kết này vẫn vi phạm vào Điều 116 Bộ Luật Dân Sự 2015 về một giao dịch dân sự trái pháp luật khi lợi dụng sự thiếu hiểu biết hoặc hoàn cảnh khó khăn của người lao động phải tự cam kết những điều bất lợi và rủi ro cho mình và thực hiện một giao dịch vắng mặt người có liên quan.

4. Khám sức khoẻ và cung cấp hồ sơ sức khoẻ của mình cho người sử dụng lao động hoặc nhà tuyển dụng lao động là nghĩa vụ của người lao động. Việc này phải được thực hiện theo một số quy định trong Bộ Luật Lao Động 2019, Thông Tư 14/2013/TT-BYT, Thông Tư 15/2016/TT-BLĐTBXH và Thông Tư 19/2016/TT-BYT. Không có bất kỳ văn bản pháp lý nào quy định người lao động phải tự cam kết về sức khoẻ của mình mà họ chỉ có nghĩa vụ nộp đầy đủ hồ sơ sức khoẻ của mình do các cơ quan chuyên môn cấp để người sử dụng lao động và nhà tuyển dụng xem và tự quyết định. Do vậy, Bản Cam Sức Khoẻ do Công Ty Song Hỷ Gia Lai soạn thảo đã vi phạm vào Điều 116 Bộ Luật Dân Sự 2015 về một giao dịch dân sự trái pháp luật.

Có thể thấy rằng dấu hiệu chung nhất của các bản cam kết do Công Ty Song Hỷ Gia Lai soạn thảo đều không dựa trên các quy định hợp pháp khi tiến hành một giao kết dân sự. Các cam kết thể hiện sự ép buộc do lợi dụng hoàn cảnh khó khăn hoặc thiếu hiểu biết của người lao động.
Hoàn cảnh 400 công nhân đang bị chủ lao động Trung Quốc bóc lột, chèn ép và để sống trong điều kiện nguy hiểm hiện nay gần như trùng khớp với những cam kết bất lợi của người lao động với Công Ty Song Hỷ Gia Lai. Do vậy, các cam kết này còn thể hiện dấu hiệu tiếp tay có chủ đích cho hành vi bóc lột và chèn ép người lao động của chủ sử dụng lao động người Trung Quốc.
Do những cam kết này không phải là sự tự nguyện nên không có hiệu lực pháp luật và người lao động có quyền yêu cầu toà án tuyên bố những giao dịch dân sự bị vô hiệu.
Những điều khoản bất lợi hoặc trái pháp luật mà chúng tôi phân tích trong bài này và bài “Sai phạm trong hợp đồng lao động của 400 công nhân Việt Nam đang làm việc ở Serbia” là những dấu hiệu cho thấy người lao động đang bị lừa đảo bởi một đường dây buôn người hoặc bóc lột sức lao động như nô lệ kiểu mới núp bóng dưới hình thức xuất khẩu lao động. Do đó, mỗi người lao động trước khi định đi xuất khẩu lao động thì nên tìm hiểu các thông tin về nhà tuyển dụng, người sử dụng lao động, luật pháp nước mình tới lao động và cần được tư vấn từ các chuyên gia pháp lý để tránh bị rơi vào cạm bẫy của các tổ chức buôn người.
Chú thích:
(1): Công Ty Trách Nhiệm Hữu Hạn Quốc Tế Song Hỷ Gia Lai ở địa chỉ tại số 140 Sư Vạn Hạnh, phường Hội Thương, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai. Đây là một trong ba nhà tuyển dụng Việt Nam đã đưa 400 công nhân Việt Nam sang Serbia làm thuê cho một chủ Trung Quốc vào tháng 9 năm 2021. Chỉ sau chưa đầy 3 tháng làm việc, các công nhân này đã buộc phải lên tiếng kêu cứu vì bị bóc lột sức lao động thậm tệ và bị giam nhốt trong những khu sinh hoạt mất vệ sinh và an toàn sống trầm trọng. Vụ việc thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận và BPSOS – CAMSA International đang dồn mọi sức lực để giải cứu nạn nhân. Hai nhà tuyển dụng khác trong vụ việc đó là: Công Ty Cổ Phần Quốc Tế Kaizen có địa chỉ tại số 18, đường Nguyễn Thị Định, khối 14, phường Quang Trung, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An và Công Ty Trách Nhiệm Hữu Hạn Tư Vấn Giáo Dục và Nghề Nghiệp CEC có địa chỉ tại số 62, ngõ 331 đường Bát Khối, Phường Long Biên, Hà Nội.